Bánh nhãn là đặc sản nổi tiếng của một số tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa… Đúng như tên gọi, loại bánh này có hình dạng giống quả nhãn được chế biến từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ rán giòn. Với hướng dẫn cách làm bánh nhãn dưới đây bạn có thể tự tay thực hiện đặc sản nức tiếng của Nam Định ngay tại căn bếp gia đình.
Bánh nhãn là đặc sản ở đâu?
Bánh nhãn không phải là loại làm từ quả nhãn mà thực chất được làm từ gạo tẻ hoặc gạo nếp rán giòn với hình dạng tương tự như trái nhãn. Đây là đặc sản nổi tiếng của một số địa phương ở phía Bắc của nước ta như Nam Định, Thanh Hóa. Ngoài ra, Nghệ An cũng có bánh nhãn ăn vô cùng ngon.
Bánh nhãn Nam Định chủ yếu được làm từ gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng. Bên cạnh đó, bánh còn có thêm các nguyên liệu khác như trứng gà, đường, mỡ lỡn. Nguyên liệu chính vẫn là gạo nếp được lựa chọn kỹ lưỡng, ngâm và xay nhuyễn rồi lọc qua vải. Bánh được chế biến quá nhiều công đoạn tỉ mỉ, đảm bảo không bị phồng rộp.
Bánh nhãn Thanh Hóa chủ yếu làm từ bột gạo tẻ. Cũng là gạo được chọn lọc kỹ lưỡng, ngâm cho nở rồi xay nhuyễn và đêm đồ lên. Bột gạo cũng được đánh đều và vo tròn thành những viên nhỏ kích thước bằng quả nhãn. Bánh có thể mix thêm một ít vừng để trang trí và tăng hương vị. Bánh được rán giòn, tẩm mật mía hoặc một lớp đường bên ngoài.
Nguyên liệu làm bánh nhãn
Bánh nhãn mang hương vị dân dã nhưng lại là đặc sản nức tiếng của Nam Định. Loại bánh này là món ăn vặt rất được ưa chuộng, có vị ngọt vừa phải. Dưới đây là nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh nhãn:
- Bột nếp: 130g;
- Trứng gà ta: 2 quả;
- Đường: 120g;
- Gừng: 30g;
- Dầu ăn;
Thành phần làm bánh nhãn đơn giản, 2 nguyên liệu chính không thể thiếu là gạo nếp và trứng gà. Hiện nay người ta thường sử dụng bột nếp thay vì dùng gạo nếp xay nhuyễn thành bột để tiết kiệm thời gian. Trứng lựa chọn là trứng gà ta, giúp bánh có màu sắc đẹp, ăn ngon hơn.
Cách làm bánh nhãn
Cách làm bánh nhãn rất đơn giản nhưng để có được chiếc bánh thơm ngon, giòn tan cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu đến làm bánh. Bên cạnh đó, độ giòn, nở của bánh còn phụ thuộc vào tỷ lệ bột và trứng. Nếu tỷ lệ không cân đối bánh bị phồng rộp, không ngon. Do vậy bạn nên thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ theo hướng dẫn dưới đây:
Pha bột bánh
Cho bột nếp lược qua rây để loại bỏ hoàn toàn phần bột bị vón cục. Trứng gà sử dụng cả lòng đỏ lẫn lòng trắng, khuấy đều.
Lưu ý: Sử dụng trứng gà ta giúp bánh thơm ngon hơn so với trứng gà công nghiệp. Dùng cả lòng đỏ và lòng trắng thì ruột bánh sẽ có độ rỗng, nếu thích ruột bánh đặc bạn nên dùng lòng đỏ từ 3 – 4 lòng đỏ là vừa đủ cho 130g gạo nếp.
Sau đó cho từ từ bột nếp vào hỗn hợp trứng gà và khuấy đều nhẹ nhàng. Tiếp tục cho bột vào tô cho đến khi hết bột. Bạn dùng tay nhào bột đến khi bột tạo thành khối dẻo, mịn, không dính tay là đạt.
Nhồi bột mịn, dẻo không dính tay là đạt
Lưu ý: Bột nếp có độ hút nước khác nhau, thường bột để lâu sẽ hút nước nhiều hơn bột mới. Trứng cũng có kích thước khác nhau, trứng gà ta đặc hơn so với trứng gà công nghiệp. Do vậy bạn nên cho từ từ bột vào trứng để căn chỉnh được lượng bột, tránh tình trạng quá nhão hoặc quá đặc.
Nặn bột
Vo bột thành khối tròn, đặt lên thớt và ấn dẹp rồi dùng dao chia bột thành 6 phần bằng nhau. Lấy một phần bột lăn tròn thành hình trụ, dài và thực hiện tương tự với 5 phần bột còn lại. Dùng dao cắt hai đầu để các dây bột có chiều dài bằng nhau. Sau khi đã bỏ hai đầu, bạn tiếp tục cắt thành những miếng nhỏ kích thước bằng nhau.
Cắt bột thành những miếng nhỏ với kích thước đều nhau
Lưu ý
Độ to, nhỏ của viên bột tùy thuộc vào sở thích của bạn. Tuy nhiên để dễ dàng hơn nên chia bột thành viên nhỏ để bột chiên nhanh chín, giòn hơn. Ngoài ra, thay vì cắt nhỏ bạn cũng có thể ngắt bột từ khối bột để vo viên mà không cần phải cắt nhỏ. Tuy nhiên để nhanh và giúp các viên bánh đều hơn nên dùng dao cắt.
Viên tròn các miếng bột nhỏ đều tay
Sau đó bạn lấy từng miếng bột nhỏ và vo tròn. Lưu ý viên bánh đều nhau để khi chiên bánh sẽ chín cùng một lúc, các viên bột không nên để chồng lên nhau, tránh bột bám dính với nhau.
Chiên bánh nhãn
Bắc chảo lên bếp, để lửa vừa để đun nóng chảo. Cho nhiều dầu ăn vào chảo và đun trong một phút. Tiếp đến thêm các viên bột vào chảo, đảo đều liên tục và dần dần các viên bột sẽ nổi lên và phồng to.
Bánh sẽ vàng dần sau thời gian chiên 40 phút ở lửa vừa. Bạn vớt bánh ra giấy thấm dầu, để nguội. Bánh chiên đạt có lớp vỏ ngoài cứng, ruột bánh khô và hơi rồng, giòn rụm.
Cho bột vào chảo, chiên ngập dầu
Lưu ý
- Bánh nhãn chiên với mỡ heo sẽ ngon hơn so với dầu ăn.
- Sử dụng chảo lớn và cho đồng thời nhiều viên bột vào chiên cùng một lúc. Nếu chiên nhiều mẻ hãy vớt tất cả bánh ra, tắt bếp để dầu trở về trạng thái ấm rồi chiên mẻ bánh tiếp theo.
- Chiên ở lửa nhỏ để giúp bánh giòn và vàng đều các mặt.
- Lúc đầu mới cho bánh vào chảo các mặt bánh sẽ bị nhăn là do dầu chỉ ấm chứ chưa sôi, dần về sâu dầu đủ nóng mặt bánh căng trở lại.
Phủ đường cho bánh nhãn
Gừng gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành lát mỏng sau đó xay nhuyễn với 100ml nước. Sau đó bạn đặt khăn voan lên miệng rây, cho gừng vào lọc để lấy nước cốt gừng.
Bắc chảo lên bếp, cho đường và nước gừng vào chảo đun ở lửa vừa cho đến khi sôi và thỉnh thoảng đảo đều. Khi đường sôi với hơi nước bốc lên nhiều tiếp tục đun cho đến khi hỗn hợp nước đường dần keo lại thì cho bánh nhãn vào. Đảo đều liên tục đồng thời giảm lửa và đảo cho đến khi đường bám quanh bánh, khô thành màu trắng là hoàn thành.
Phủ đường toàn bộ mặt bánh
Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh nhãn đơn giản mà bài viết này tổng hợp được. Mặc dù thao tác thực hiện không quá khó nhưng sự phối trộn khéo léo giữa các nguyên liệu sẽ giúp bạn có được chiếc bánh ngon chuẩn hương vị Nam Định. Chúc các bạn thành công với món bánh nhãn này nhé!