Mỗi vùng miền sẽ có cách làm bánh đúc khác nhau, mang nét đặc trưng riêng. Nếu bạn đã quá quen với bánh đúc miền Bắc, miền Trung thì có thể vào bếp thử cách làm bánh đúc miền Tây để thay đổi khẩu vị gia đình. Nhìn chung, bánh đúc miền Tây thực hiện không quá khó, hoàn toàn tương tự như những công thức làm bánh đúc khác nhưng hương vị lại rất riêng, không lẫn vào đâu được. Hãy cùng vào bếp thực hiện theo hướng dẫn sau đây.
Nguyên liệu làm bánh
Nguyên liệu làm bánh đúc miền Tây đơn giản, chuẩn bị nhanh chóng, gồm có:
Phần bột bánh
- Bột gạo: 450g;
- Bột năng: 35g;
- Nước cốt dừa đậm đặc: 500ml;
- Nước cốt dừa loãng: 1,3 lít;
Phân nhân bánh
- Củ sắn: 700g;
- Cà rốt: 200g;
- Thịt nạc: 400g;
- Tôm khô: 20g;
- Thịt mỡ: 50g;
- Hành tím: 7 – 8 củ;
- Hành lá, ngò rí: 4 tép;
- Dầu điều: 2 muỗng canh;
- Gia vị: bột nêm, nước mắm, muối, mì chính, tiêu;
Hướng dẫn thực hiện
Cách làm bánh đúc miền Tây cũng tương tự như bánh đúc miền Nam. Với những nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên, bạn tiến hành thực hiện như sau:
Pha bột bánh
Cho 450g bột gạo, 35g bột năng vào tô lớn rồi cho từ từ 500ml nước cốt dừa đặc vào khuấy đều. Tiếp tục thêm 1,3 lít nước cốt dừa loãng vào bột, thêm 1 muỗng cafe muối ăn và khuấy đều. Lược toàn bộ số bột qua rây để loại bỏ hoàn toàn phần bột vón cục, thu được hỗn hợp bột bánh mịn.
Nếu bạn làm bánh đúc miền Tây sử dụng trong gia đình ít người có thể pha bột theo công thức là 250g bột gạo + 1 lít nước cốt dừa + 1 muỗng canh bột năng. Chỉ khi đang tỷ lệ bột chuẩn việc khuấy bột mới thành công, không bị nhão cũng không quá cứng, bánh mềm dai.
Sau khi đã lược bột, bạn có bột nghỉ trong thời gian 15 – 30 phút. Với bánh đúc mặn miền Tây có hai cách để chế biến bột, một là khuấy bột cho đến khi chín trên bếp và cách thứ hai là mang đi hấp. Thông thường cách khuấy bột trên bếp thực hiện khó hơn so với hấp, vì thế để an toàn chị em nên lựa chọn cách hấp bột.
Hấp bánh
Bột sau khi nghỉ được 15 phút thì mang đi hấp. Sử dụng khuôn hình tròn, đường kính khoảng 30cm. Trước khi cho bột vào khuôn bạn nên phết một lớp dầu mỏng trong lòng khuôn đồng thời làm nóng cùng với nồi hấp khoảng 10 phút.
Hấp bột bánh theo từng lớp cho đến khi hết bột
Cho khoảng 300ml bột vào khuôn, hấp ở lửa lớn trong vòng 10 phút. Tiếp tục cho lớp bột thứ 2 lên cũng hấp trong thời gian 10 phút. Công đoạn này thực hiện lặp lại cho đến khi hết bột. Lớp bột cuối cùng hấp trong thời gian 20 phút để bánh chín hoàn toàn. Kiểm tra bằng cách dùng que xóc vào phần bột, nếu không dính vào que nghĩa là bột đã chín đồng thời bột trong đều là đạt.
Sơ chế nguyên liệu nhân bánh
- Tôm khô rửa sạch, ngâm với nước cho nở rồi để ráo.
- Hành tím, hành lá, ngò rí thái nhỏ.
- Củ sắn, cà rốt thái hạt lựu;
- Thịt cắt nạc và thịt mỡ cắt nhỏ, rồi mang đi xay nhuyễn. Nếu không thích thịt mỡ bạn có thể sử dụng phần thịt nạc, tuy nhiên có một ít thịt mỡ sẽ giúp nhân bánh được béo và thơm hơn, không bị khô.
Xào chín nhân bánh
Trong khi chờ lớp bột cuối cùng chín, bạn xào nhân bánh. Trước hết bắt chảo lên bếp, cho dầu và phi thơm hành tím. Khi hành tím ngả vàng bạn chắt qua rây, để ráo dầu.
Tiếp tục cho tôm vào chảo, đảo đều ở lửa vừa rồi thêm cà rốt vào xào trong 1 phút. Sau đó thêm thịt vào xào trong 2 phút và cho củ sắn, dầu điều rồi đảo đều. Xào chín nhân bánh trong khoảng thời gian 5 phút và tiến hành nêm nếm gia vị. Với số lượng nhân bánh trên, bạn sẽ thêm gia vị theo tỷ lệ là 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cafe bột ngọt, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh dầu hào.
Đảo đều các nguyên liệu và nêm nếm gia vị vừa ăn
Sau đó xào đều để nhân ngấm đều gia vị. Chú ý không nêm gia vị quá mặn vì bánh đúc còn được ăn kèm với nước chấm. Nêm thêm ⅓ muỗng cafe muối, đảo đều, tắt bếp. Cuối cùng thêm hành lá, ngò rí và hành tím đã phi thơm vào rồi rắc một ít tiêu để tạo mùi thơm cũng như màu sắc cho nhân.
Làm nước mắm
Nguyên liệu để làm nước mắm gồm có:
- Nước cốt chanh: 75ml;
- Nước mắm: 40ml;
- Đường: 90g;
- Nước lọc: 300ml;
- Tỏi, ớt băm;
Pha nước chấm theo đúng tỷ lệ, có thể gia giảm lượng đường hoặc nước mắm tùy theo khẩu vị
Cho nước cốt chanh, đường vào nước lọc rồi khuấy cho tan. Sau khi tan đường thêm tỏi và ớt băm vào rồi cho nước mắm. Bạn nêm nếm cho vừa khẩu vị, có thể tăng giảm số lượng đường và nước mắm cho phù hợp.
Hoàn thành
Bánh sau khi chín để nguội được cắt thành miếng vừa ăn. Nên thoa một lớp dầu mỏng trên dao để cắt bánh dễ dàng hơn. Cho bánh ra đĩa, thêm nhân lên trên, chan nước mắm vào là đã có thể thưởng thức. Bột bánh đạt khi ăn cảm thấy mềm, dai kèm với nhân đậm vị, thơm mùi tôm khô, béo của thịt.
Bày bánh ra đĩa là đã có thể thưởng thức
Trên đây là cách làm bánh đúc miền Tây mà bài viết này tổng hợp được. Dĩa bánh đúc mặn miền Tây có sự kết hợp giữa bột và nhân mặn ăn vô cùng đậm đà, hấp dẫn. Chúc các bạn thành công với công thức làm bánh đúc ở trên nhé!