Thịt lợn hầm ngải cứu là món ăn lý tưởng khi bạn vừa muốn làm mới thực đơn, vừa muốn bồi bổ sức khỏe cho cả gia đình. Cùng Tự vào bếp học cách làm thịt hầm ngải cứu ngon chuẩn vị nhé!
Lợi ích tuyệt vời của ngải cứu đối với sức khỏe
Ngải cứu không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn, mà còn là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền phương Đông. Một số nghiên cứu chứng minh ngải cứu có chứa hàm lượng dồi dào flavonoid, axit amin, andenin có tác dụng cầm máu, kháng viêm, điều hòa khí huyết, trị rồi loạn kinh nguyệt và hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp cùng nhiều bệnh lý khác.
– Giã nát lá ngải cứu và vài hạt muối, đắp lên vết thương hở sẽ giúp cầm máu và giảm sưng đau nhanh chóng.
– Phụ nữ kinh nguyệt không đều, bị đau bụng kinh… chỉ cần hãm lá ngải cứu với nước sôi hoặc sắc như sắc thuốc uống 1 tuần trước kỳ kinh là các triệu chứng khó chịu sẽ dần được cải thiện.
– Phụ nữ mang thai ăn các món có ngải cứu sẽ giúp an thai, tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, trị đau bụng, ra máu trong thai kỳ hiệu quả.
– Ăn ngải cứu thường xuyên giúp lưu thông khí huyết tốt hơn, tăng cường máu lên não, cải thiện trí lực, giúp bạn luôn tỉnh táo, minh mẫn.
– Trong thành phần của lá ngải cứu có thành phần Andenin và cholin, giúp kích thích vị giác, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành năng lượng. Vì vậy, lá ngải cứu được khuyến khích dùng cho trẻ thấp còi, biếng ăn và người già mất cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, ngải cứu cũng rất hữu ích trong việc trị đau họng, ho, cảm cúm, nhức đầu. Do lá ngải cứu hơi hăng, sắc thuốc hoặc pha trà khá khó uống, nên dùng lá này chế biến thành món ăn vẫn là sự lựa chọn lý tưởng hơn cả. Và thịt lợn hầm ngải cứu chắc chắn là một gợi ý không tồi.
Cách chế biến món thịt lợn hầm ngải cứu
1. Nguyên liệu làm thịt lợn ngải cứu
– 700 gram thịt chân giò lợn
– 1 mớ rau ngải cứu
– 100 gram hạt sen
– 50 gram nấm hương
– 50 gram mộc nhĩ
– 1 củ cà rốt nhỏ
– 2 chén rượu nếp
– Các loại gia vị: Dầu ăn, muối, đường, bột tiêu, nước mắm, hành lá, hành khô… vừa đủ
2. Thực hiện chế biến món thịt chân giò hầm ngải cứu
* Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Chân giò lợn mua về cạo sạch (hoặc thui) hết lông còn sót trên da. Sau đó, ngâm với nước muối loãng khoảng 5-10 phút rồi rửa sạch. Trần chân giò qua nước sôi cho bớt mùi hôi rồi chặt miếng vừa ăn.
– Mộc nhĩ, nấm hương cho vào bát riêng, ngâm với nước ấm cho nở ra. Sau đó rửa sạch lại với nước lạnh, thái sợi chỉ hoặc cắt đôi.
– Hạt sen ngâm nước cho mềm (nếu dùng sen tươi thì không cần ngâm).
– Ngải cứu rửa sạch, để nguyên cọng hoặc thái nhỏ tùy sở thích.
– Hành lá rửa sạch, thái khúc.
– Hành khô bóc vỏ, thái lát rồi băm nhỏ.
– Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch rổi tỉa hoa, mỗi miếng dày khoảng 2-3cm.
* Bước 2: Tẩm ướp gia vị
Cho chân giò chặt khúc vào tô lớn, nêm 1 thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê bột tiêu, 1 thìa nước mắm, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa hành băm vào trộn đều. Ướp 40 – 60 phút vì chân giò lâu ngấm gia vị hơn so với thịt thăn, thịt ba chỉ.
* Bước 3: Chế biến
– Cho chân giò vào nồi, đổ nước xâm xấp rồi ninh với lửa nhỏ khoảng 1 -2 tiếng cho thịt chín nhừ.
– Trong lúc chờ thịt chân giò chín nhừ, bạn bắt một chiếc nồi khác lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm hành băm, cho mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, hạt sen vào đảo cùng khoảng 15 – 20 giây. Sau đó bạn đổ tất cả vào nồi chân giò ninh, đậy nắp, chỉnh lửa nhỏ, đun thêm 20 – 30 phút nữa.
– Thấy nồi bốc hơi và sôi nhẹ thì cho rau ngải cứu cùng rượu nếp vào đảo nhẹ nhàng. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Cuối cùng, bạn chỉ cần múc chân giò ra, rắc hành lá xắt khúc lên trên và thưởng thức.
Món thịt lợn chân giò hầm ngải cứu là sự hòa quyện giữa vị đắng nhẹ của ngải cứu, vị ngọt đậm đà béo ngậy của thịt chân giò, vị thanh mát của hạt sen và nét mộc mạc của nấm hương, mộc nhĩ. Không những thế, món ăn này còn là nguồn cung vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho cơ thể con người.
Trong số các món ngon từ thịt lợn thì chân giò hầm ngải cứu có thể xem như món đại bổ, hấp dẫn và cực kỳ dễ chế biến. Do đó, nhớ bổ sung món ngon này vào thực đơn dinh dưỡng của chị em nhé!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.